Không cần ra hàng, bạn cũng có thể tự nấu được những loại chè ngon chuẩn vị ngay tại nhà với hướng dẫn cụ thể từng bước dưới đây.
1. Chè sầu
Bạn đang đọc: Gợi ý 10 công thức làm các món chè được nhiều người yêu thích nhất trong ngày hè
Công thức nấu chè sầu tại nhà.
Nguyên liệu:
– Sầu riêng
– 200g đỗ xanh
– 400g đường trắng tinh luyện
– 200ml nước cốt dừa
– 50ml sữa đặc có đường
– 4 thìa cà phê bột năng
– 1 gói đậu phộng rang
– 100g dừa tươi nạo sợi
Cách làm:
Bước 1: Đỗ xanh rửa sạch nếu chưa xát vỏ thì ngâm với nước ấm rồi đãi sạch vỏ.
Bước 2: Đổ đỗ xanh vào nồi cơm điện rồi chế thêm nước lọc vào ngập mặt đỗ rồi nấu nhừ. Để đỗ xanh có vị ngọt nên đổ thêm 100g đường trắng vào để nấu cùng. Sau khi đỗ xanh chín, vớt ra đổ vào máy xay sinh tố. Sau đó cho thêm múi sầu riêng đã bỏ hạt cho vào xay thật nhuyễn.
Bước 3: Đổ 50ml sữa đặc có đường vào cùng với 100ml nước lọc rồi khuấy đều cho sữa tan hết. Hòa 4 thìa cà phê bột năng vào một chiếc nồi có chứa khoảng 300ml nước lọc. Sau đó bắc lên bếp và đun.
Bước 4: Khi nước gần sôi, tiếp tục cho thêm hỗn hợp đỗ xanh sầu riêng vừa xay vào nấu cùng. Tiếp tục cho thêm sữa đặc vừa pha cùng với 100ml nước cốt dừa và 300g đường trắng vào khuấy thật đều tay để chè không bị vón cục. Nếu nồi chè có màu vàng tươi đều, sánh nhuyễn là đã thành công.
Bước 5: Khi chè chín múc ra bát để nguội rồi rắc thêm một ít lạc rang, dừa tươi nạo sợi lên trên và rưới nước cốt dừa xung quanh sau đó thưởng thức cùng đá bào
2. Chè dừa non
Nguyên liệu:
Phần thạch rau câu lá dứa:
200gr lá dứa
500ml nước trắng
6gr bột rau câu con cá dẻo
100gr đường cát trắng
Phần chè dừa non:
Ba trái dừa non (chọn dừa không non quá và già quá, gần như dừa làm mứt dừa non)
Đường cát trắng: 200gr
Sữa tươi không đường: 200ml
Một hộp cốt dừa
Nước trắng: 400ml
100gr bột báng
Cách làm:
Làm phần thạch lá dứa trước:
Lá dứa rửa sạch, tráng qua một lần nước sôi cho sạch rồi cắt khúc bỏ vào máy xay sinh tố, xay nhuyễn lọc lấy phần nước cốt nhất.
Trộn đường với bột rau câu con cá dẻo, ngâm vào 500ml nước cho nở rồi bắc lên bếp đun sôi, sau khi sôi bắc ra đổ phần nước cốt lá dứa vào khuấy đều (đây là cách để giữ màu lá dứa cho đẹp, nếu đun sôi phần lá dứa với thạch sẽ ra màu không tươi), hớt hết bọt nổi lên trên phần thạch rồi đổ ra khuôn.
Làm phần chè dừa non:
Bột báng ngâm với nước trắng khoảng 15 phút rồi cho lên bế đun lửa vừa luộc đến khi chín vớt ra bát rửa vài lần nước rồi để riêng (trong quá trình luộc thỉnh thoảng khuấy đều không bột báng bám vào đáy nồi gây cháy khét).
Dừa non bổ làm đôi dùng thìa cứng cậy lấy phần cơm dừa, gọt bỏ hết phần vỏ nâu phía ngoài cơm dừa, rửa sạch, cắt miếng nhỏ rồi lại rửa qua vài lần nước nóng cho sạch dầu (cách đơn giản các bạn có thể luộc qua một nước cho nhanh) để ráo.
Bắc nồi lên bếp cho 400ml nước trắng (tận dụng luôn phần nước dừa sau khi lấy phần cơm dừa), thêm đường, cùi dừa non cắt nhỏ đun sôi trong vòng 20 phút, sau đó cho bột báng, nước cốt dừa, sữa tươi vào khuấy đều các nguyên liệu, để sôi thêm vài phút rồi bắc ra, muốn phần chè dừa non hơi sền sệt có thể cho thêm 2-3 thìa cà phê bột ngô hoặc bột năng vào. Làm xong để ngăn mát rồi thưởng thức.
3. Chè đỗ đen
Nguyên liệu:
– 400 gram đỗ đen (đậu đen)
– Đường cát
– Có thể chuẩn bị thêm (nếu thích): dừa sợi tươi, vani, bột sắn dây
Cách làm:
– Đỗ đen đãi sạch, nhặt bỏ những hạt nổi. Nếu có thời gian bạn có thể ngâm đỗ 4 – 5 tiếng thì khi ninh đỗ sẽ nhanh nhừ hơn.
– Đỗ đen rửa sạch, cho vào nồi cơm điện, đổ nước ngập cỡ 2 đốt ngón tay và ninh đỗ. Khi nồi chè sôi được khoảng 5 phút, bạn bật nồi sang chế độ ủ.
– Để nồi chè ở chế độ ủ khoảng 15 phút thì bật lại sang chế độ nấu để chè sôi lại.
– Sau khi hạt đỗ đã chín mềm, bạn dùng thìa hổng lỗ vớt hết đỗ ra một cái nồi khác và để lại nước đỗ đen trong nồi.
– Đảo đều 300gr đường cát với hạt đỗ rồi đun lên cho đến khi đường tan hết thì tắt bếp.
– Tiếp đó, trút hạt đỗ trở lại nồi nước, nêm thêm đường cho vừa khẩu vị.
– Muốn chè đỗ đen sánh và thơm, hãy hòa chút bột sắn dây và thêm vani vào. Lúc múc chè ra ăn, cũng có thể cho thêm ít sợi dừa tươi.
4. Chè đậu đỏ nước cốt dừa
Nguyên liệu:
– 300gr đậu đỏ
– 250gr đường cát trắng
– 10g bột đao hoặc bột sắn dây
– 1 hộp nước cốt dừa
Cách làm:
– Đậu đỏ ngâm với nước khoảng 6 – 8 tiếng đồng hồ. Có thể ngâm đậu qua đêm trước lúc đi ngủ để hôm sau bạn có thể nấu mà không mất nhiều thời gian.
– Đậu sau khi đã ngâm xong đã nở to và mềm hơn, vớt đậu ra cho ráo nước. Cho đậu vào nồi áp suất, cho nước ngập đậu (khoảng 1 lít nước), cho thêm một chút muối rồi nấu khoảng 30 – 40 phút.
– Để kiểm tra đậu đã nhừ chưa, bạn lấy một chiếc thìa vớt một hạt đậu, thử dặm hạt đậu ra nếu đậu nát nhuyễn là được.
– Tiếp theo, cho đường vào đun cùng, khuấy đều cho đường tan hết, để nồi ở chế độ nấu.
– Hòa tan bột năng hoặc bột sắn dây, sau đó bạn đổ từ từ vào nồi đậu, khuấy đều tay để bột tan hết, khi nồi đậu sôi lại một lần nữa, bột trong không vón cục là bạn có thể tắt nồi đun được rồi.
– Múc chè ra từng bát nhỏ và đổ nước cốt dừa lên trên, như vậy là có thể thưởng thức được.
5. Chè ngô
Nguyên liệu:
– 3-4 bắp ngô
– Một chút muối
– 110g đường
– 1-2 lá nếp hoặc dầu hoa bưởi
– 1 hộp nước cốt dừa
– 1 thìa cafe bột ngô
– Bột sắn và bột năng
– Vừng rang
Cách làm:
– Ngô rửa sạch, luộc chin, sau đó vớt ra để ráo nước và nguội bớt.
– Dùng dao thái mỏng các hạt ngô rồi bỏ lõi.
– Đặt 1 nồi nước lên bếp, cho lá nếp đã rửa sạch vào đun sôi nếu không mua được dầu hoa bưởi.
– Trong lúc chờ sôi, bạn hòa bột năng và bột sắn vào bát nước với tỷ lệ 1:3. Khi nước sôi, đổ hỗn hợp bột này vào, vừa đổ vừa khuấy đều tay. Nếu nồi chè loãng hay đặc có thể gia giảm bột sắn cho thích hợp, miễn là nồi chè sánh vừa phải.
– Sau đó cho thêm đường vừa miệng, thêm một chút muối cho đậm đà. Cuối cùng, đổ ngô vào đun khoảng 5 -10 phút là được.
– Vớt lá nếp ra, múc chè ra từng bát rồi rưới nước cốt dừa lên trên, thích ăn vừng có thể rắc thêm cho thơm.
6. Chè khúc bạch
Tìm hiểu thêm: Cuối tuần, làm món bún thịt nướng thơm lừng, chỉ bạn công thức ướp thịt đơn giản để thịt không bị khô
Nguyên liệu:
250ml sữa tươi không đường (hoặc sữa tươi có đường)
250ml whipping cream
150 gam đường cát (có thể thay bằng đường phèn)
2 gam bột trà xanh
15 gam bột gelatin
1 nắm lá nếp (lá dứa)
20 gam hạnh nhân lát đã rang chín
20 quả nhãn (hoặc vải) đã tách hạt
Cách làm:
– Bước 1: Cho 15 gam bột gelatin hòa tan với 150ml sữa tươi, khuấy đều và để khoảng 15 phút cho bột nở.
– Bước 2: Cho 100ml sữa tươi, 60 gam đường và whipping cream vào bát và khuấy tan, sau đó chia hỗn hợp này thành 2 bát đều nhau để làm thạch màu trắng và thạch màu xanh.
Làm thạch màu trắng: Bạn cho 1 bát hỗn hợp sữa tươi và whipping cream vào nồi, hấp cách thủy với lửa nhỏ, vừa đun vừa khuấy đều tay. Khi hỗn hợp nóng, cho 1/2 hỗn hợp sữa tươi gelatin (ở bước 1) vào, khuấy đều khoảng 10 phút để các nguyên liệu hòa quyện vào nhau rồi tắt bếp. Tiếp theo, bạn đổ hỗn hợp vừa được hấp này vào khuôn, đợi cho nguội bớt rồi bạn cho vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 4 tiếng.
Làm thạch màu xanh: Hấp cách thủy bát hỗn hợp sữa và whipping cream còn lại, khi hỗn hợp nóng thì cho nốt 1/2 hỗn hợp gelatin và sữa tươi vào và khuấy đều tay. Tiếp theo, hòa tan bột trà xanh với một ít nước rồi đổ vào hỗn hợp đang hấp, khuấy tan và đun khoảng 10 phút thì tắt bếp. Sau đó, đổ hỗn hợp vừa được hấp vào khuôn, đợi cho nguội bớt rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh.
– Bước 3: Đun 1 lít nước với 90 gam đường, khuấy nhẹ tay cho đường tan hết. Khi nước đường sôi nhẹ thì cho lá dứa đã rửa sạch vào, đun khoảng 5 phút rồi tắt bếp.
– Bước 4: Đợi nồi nước đường nguội bớt, bạn cho cùi nhãn (hoặc vải) vào ngâm cho ngấm vị.
– Bước 5: Lấy thạch từ ngăn mát tủ lạnh ra, cắt thành các miếng vừa ăn. Sau đó, cho thạch, nhãn (hoặc vải) vào bát, chan nước đường vào rồi thêm chút đá và rắc lên trên 1 ít hạnh nhân, vậy là đã hoàn thành.
7. Chè sen long nhãn
Nguyên liệu:
– 100gr hạt sen tươi
– 500gr nhãn lồng tươi
– 250gr đường phèn
– Nếu không có hạt sen và nhãn lồng tươi có thể dùng hạt sen và nhãn khô. Tuy nhiên, chè ngon nhất khi được nấu từ những nguyên liệu tươi và giữ được vị thơm, ngọt tự nhiên.
Cách nấu:
– Hạt sen rửa sạch, lấy tâm sen ra nếu không làm món chè bị đắng. Sau đó cho vào nồi ninh nhừ. Nếu dùng hạt sen khô thì ngâm khoảng 4-5 tiếng trước khi nấu.
– Khi hạt sen đã mềm thì vớt ra để ráo.
– Tiếp theo cho nước và đường phèn vào nồi nấu cho tan đường, tiếp đến cho hạt sen vào nấu thêm 10 phút nữa rồi tắt bếp, vớt hạt sen ra bát riêng.
– Nhãn tươi đem bóc vỏ, dùng mũi dao nhọn lách nhẹ quanh cuống để lấy phần hạt ở trong ra sao cho cùi nhãn không bị rách.
Tiếp theo bạn khéo léo nhồi hạt sen vào trong. Đối với long nhãn khô thì sau khi ngâm với nước ấm cho nở thì các bạn cho từng hạt sen vào cùi nhãn.
– Đun lại nước sen trước đó và cho nhãn đã lồng hạt sen vào cho sôi, sau đó tắt bếp. Chú ý không nên nấu quá lâu nếu không chè sẽ có vị chua và nhãn sẽ không giữ được độ giòn.
– Múc phần nước chè hạt sen long nhãn ra riêng, đợi nhãn đã lồng hạt sen cho nguội. Khi đã nguội hoàn toàn thì mới thả vào bát nước chè rồi để vào tủ lạnh ăn sẽ mát và rất ngon.
8. Chè bưởi
Nguyên liệu:
– 200gr đậu xanh sạch vỏ
– Cùi bưởi
– Đường
– Muối
– 100gr bột năng
– Vani hoặc nước hoa bưởi
– Nước cốt dừa
Cách làm:
– Đậu xanh ngâm nở.
– Cùi bưởi chỉ lấy phần trắng xốp bên trong, thái cùi bưởi hình hạt lựu.
– Bóp nhẹ cùi bưởi với 1 thìa muối trong khoảng 2 phút rồi xả nước lạnh, vắt nước cho sạch chất đắng. Bạn lặp lại thao tác khoảng 2 – 3 lần thì chất đắng trong cùi bưởi sẽ được tẩy kỹ. Có thể nếm thử để xem cùi đã hết đắng hay chưa.
– Cho cùi bưởi vào nồi luộc sơ qua để tẩy đắng thêm 1 lần nữa. Sau đó vớt cùi ra, vắt nhẹ nước rồi ướp đường trong 1 tiếng.
– Trộn cùi bưởi với bột năng cho bột phủ đều miếng cùi. Việc này giúp cùi bưởi giòn và không bị nát khi nấu.
– Đun sôi nước rồi thả cùi bưởi vào, khi cùi nổi rồi chuyển sang màu trắng trong thì vớt ra, đổ vào nước có đá lạnh, ngâm khoảng 10 phút.
– Đun một nồi nước đường cho sôi. Tiếp đó cho đậu xanh vào đun chín.
– Hòa bột năng với nước rồi đổ từ từ vào nồi, vừa đổ vừa khấy đều cho đến khi thấy nước chè bắt đầu sánh lại. Cho tiếp cùi bưởi vào. Cuối cùng thì cho nước hoa bưởi để tạo hương thơm rồi tắt bếp.
– Múc chè ra bát, ăn nóng hoặc lạnh, khi ăn có thể cho thêm nước cốt dừa.
9. Chè sương sa hạt lựu
Nguyên liệu:
– 200gr đậu xanh đã cà vỏ
– 1 bó lá dứa
– 1 củ dền đỏ
– 3 củ cà rốt nhỏ
– 200gr củ mã thầy đã gọt vỏ
– Thạch, lạc rang, dừa, nước cốt dừa, đường, bột năng, muối
Cách làm:
– Đậu xanh ngâm nở, cho vào nồi ninh nhừ với 1 ít muối. Chỉ cho nước xăm xắp mặt đậu để hỗn hợp đậu sau khi nấu xong đánh nhuyễn đặc như cháo. Cho đậu vào chảo, thêm đường với vị ngọt vừa ăn rồi quậy đều thêm 5 phút thì tắt bếp.
– Lá dứa rửa sạch cắt khúc, củ dền và cà rốt gọt vỏ rửa sạch, thái miếng nhỏ. Xay lá dứa, củ dền, cà rốt rồi lọc lấy nước được 3 bát tô.
– Mã thầy thái hạt lựu. Sau đó ngâm mã thầy vào 3 bát nước màu 30-40 phút để nhuộm màu, sau đó lấy giá lọc riêng phần cái, phần nước màu còn lại cho vào nồi dùng để làm nước luộc.
– Đổ bột năng vào từng phần mã thầy cho bột bám đều xung quanh mỗi hạt. Sau đó lại cho ra 1 chiếc muôi thủng cho rơi bớt phần bột thừa.
– Dùng phần nước mà bạn vừa ngâm mã thầy để luộc, đun sôi rồi đổ mã thầy đã tẩm bột năng vào đến khi thấy nổi lên là chín, vớt ra ngay bát nước lạnh. Cứ lần lượt làm mã thầy với 3 phần nước màu bạn sẽ được thành phẩm rất đẹp mắt.
– Thạch thái sợi dài. Lạc rang đập dập. Nước cốt dừa cho vào nồi, quậy bột năng và 1 ít muối, đường sao cho hơi ngọt một chút, đun cho sánh lại.
– Lấy từng phần mã thầy vào ly, thêm thạch đen, cốt dừa, đậu xanh và chút lạc rang là món chè của bạn đã hoàn thành.
10. Chè trôi nước
>>>>>Xem thêm: Nhà hàng Vương Quốc Tôm ưu đãi sốc dịp Vu Lan
Nguyên liệu:
Bột gạo nếp: 300g
Đậu xanh: 200g
Nước cốt dừa: 350ml
Dừa khô: 80g
Bột năng
Gừng
Đường, muối
Cách làm:
– Đậu xanh ngâm trước khoảng 1-2 tiếng sau đó đãi sạch vỏ. Cho vào nồi ninh nhừ, rồi giã nhuyễn.
– Trộn dừa khô và đường vào đậu xanh rồi viên lại thành những viên tròn
– Cho nước vào bột nếp, nhào bột kĩ đến khi dẻo mịn, không dính tay là được. Lấy một lượng bột nhỏ, vo tròn rồi cán dẹp, đặt viên đậu xanh vào giữa, khéo léo vê phần bột bọc kín nhân đậu xanh lại.
– Cho nước vào nồi, đun đến khi nước sôi thì bạn thả từng viên trôi nước vào luộc đến khi chín (thường trôi nước nổi lên trên là đã chín). Vớt bánh ra và thả vào nước lạnh.
– Cho 400ml nước + 5 thìa canh đường (đường nâu) vào nồi, nấu cho đường tan hẳn, có vị ngọt vừa. Đun đến khi đường tan hết, nước đường sôi thì thả gừng đã đập dập vào, rồi cho bánh trôi nước vào cùng, đợi nước đường sôi trở lại thì tắt bếp.
– Làm nước cốt dừa ăn với chè: cho 300ml nước cốt dừa + 1 thìa nhỏ bột năng vào, khuấy tan bôt năng rồi thêm ít muối, đặt lên bếp đun, vừa đun vừa khuấy cho đến khi nước dừa hơi sánh lại là được. Múc viên trôi nước ra bát, chan thêm nước đường, rắc lên trên bề mặt ít vừng rang và dừa nạo sợi rồi thưởng thức.