Các món nộm (gỏi) phần đa đều dễ làm, có vị chua ngọt tự nhiên, chống ngấy hiệu quả cho mâm cơm gia đình dịp cuối năm.
1. Nộm rau muống
Bạn đang đọc: Cuối tuần, học ngay 10 công thức làm nộm (gỏi) ngon tuyệt đổi vị cho bữa cơm gia đình
Nguyên liệu:
– 1 mớ rau muống.
– Lạc rang.
– Chanh, tỏi, ớt, nước mắm, đường.
– Rau thơm: húng, kinh giới và mùi tàu.
Cách làm:
– Rau muống vặt lá rửa sạch để ráo.
– Đun sôi một nồi nước, thả rau muống vào luộc chín vớt ra rổ để ráo hoặc muốn rau giòn hơn thì các bạn vớt rau ra một bát nước đá.
– Lạc rang chín, tách vỏ đập dập.
– Rau thơm rửa sạch thái nhỏ.
– Cách pha nước chấm trộn gỏi:
Tỏi đập dập băm nhỏ, ớt bỏ hạt băm nhỏ, chanh vắt lấy nước cốt.
Cho 3 thìa canh nước mắm, 1 thìa canh nước và 1 thìa canh đường, hòa tan nguyên liệu rồi cho nước cốt chanh vào khuấy đều (lưu ý muốn cho bát nước chấm nổi tỏi ớt lên các bạn cho chanh vào trước, hoà tan rồi cho tỏi ớt sau cùng), cuối cùng cho tỏi ớt vào.
– Cho rau muống luộc vào bát to, thêm rau thơm, lạc và rưới hỗn hợp nước mắm trộn đều lên và thưởng thức.
Loạt công thức làm món nộm ngon: Nộm rau muống.
2. Nộm đu đủ Thái Lan
Nguyên liệu:
– 1/2 quả đu đủ xanh.
– 2 quả chanh.
– Cà chua: có thể dùng cà chua bi hoặc cà chua quả to.
– 3-4 tép tỏi.
– 3-4 quả ớt (tùy vào mức ăn cay của mỗi người).
– Đậu đũa hay đậu que: 3-4 quả.
– 50gr tôm khô.
– 3 thìa canh đường thốt nốt (hoặc đường trắng).
– Mì chính, nước mắm…
– Mắm cá Thái, mắm ruốc Việt Nam, ba khía… (nếu ai ăn được thì cho vào).
– Lạc rang.
– Rau mùi tàu, mùi ta.
Cách làm:
Đu đủ gọt vỏ, rửa sạch, đem bào sợi nhỏ, cho luôn đu đủ bào vào bát nước đá để đảm bảo độ giòn (người Thái Lan thì họ băm rồi thái và dùng luôn chứ không ngâm nước đá), vớt ra để ráo nước.
Đậu đũa rửa sạch ngâm nước muối loãng, vớt ra cắt thành những đốt dài 3-4cm.
Cà chua rửa sạch, cà chua bi bổ làm đôi,còn cà chua to thái thành những miếng nhỏ.
Tôm khô ngâm nước ấm cho mềm để ráo nước.
Lạc rang chín giã dập.
Rau mùi rửa sạch thái nhỏ.
Cho tỏi, ớt vào cối dã nhuyễn, vắt một quả chanh vào, thêm đường thốt nốt hoặc đường trắng, chút mì chính thêm ba khía hoặc mắm ruốc, mắm cá… nếu muốn.
Trộn thật đều các nguyên liệu rồi cho thêm vài thìa nước mắm, tự nêm nếm cho vừa miệng.Tiếp đến đổ cà chua, đậu que, đu đủ vào trộn cho thật ngấm gia vị.
Trộn rau thơm rồi đổ nộm ra đĩa rắc lạc rang lên trên.
3. Gỏi bò bóp thấu
Nguyên liệu:
300gr thịt thăn bò.
2 quả chuối.
2 quả khế.
1/2 củ hành tây.
1/2 quả dứa (nếu có).
Vừng rang.
Hành khô.
Tỏi chiên vàng.
Lạc.
Rau thơm: húng chó, rau mùi răng cưa (rau mùi tàu), rau mùi ta.
Gia vị: nước mắm, đường, chanh, tỏi, hành củ.
Ớt, hạt tiêu, hạt nêm, muối, giấm…
Cách làm:
Thịt bò thái mỏng ướp với: 2 thìa cà phê tỏi băm, 1 thìa cà phê bột nêm, 1/2 thìa cà phê hạt tiêu, 1 thìa canh dầu ăn, trộn đều ướp trong 10-15 phút.
Lạc rang chín giã dập.
Hành củ phi vàng.
Tỏi xắt lát mỏng vừa chiên vàng giòn nhưng không được để cháy sẽ bị đắng.
Hành tây bỏ lõi xắt mỏng ngâm với nước đá cho hành bớt cay và giòn.
Chuối xanh bỏ gân, lột vỏ cắt mỏng ngâm nước muối thêm chút giấm cho bớt chát và đỡ thâm.
Khế bỏ gân cắt mỏng ngâm trong nước pha chút giấm và muối cho đỡ thâm.
Dứa xắt mỏng (nếu có).
Các loại rau thơm rửa sạch cắt khúc nhỏ vừa ăn.
Pha nước trộn gỏi: 2 thìa canh đường + 1 thìa canh nước cốt chanh + 2 thìa canh nước mắm hoà cho tan đường, thêm tỏi ớt băm nhuyễn.
Thịt bò sau khi ướp xong ngấm gia vị, bắc chảo lên bếp, đợi chảo nóng cho thịt bò vào xào chín tới, không cần cho thêm dầu ăn vì trước đó đã ướp thịt với dầu ăn, cách ướp dầu trước sẽ làm cho thịt mềm hơn khi xào.Thịt chín đổ ra bát cho nguội.
Vớt khế, chuối, hành tây ra cho ráo nước (cần thiết dùng tay vắt bớt nước ở khế và chuối, hành tây không cần vắt nước vì ngâm nước đá rất giòn và dễ gẫy), trộn vào một thìa canh nước trộn gỏi, trộn cho thật đều.
Trộn một thìa canh nước trộn gỏi vào bát thịt bò đợi cho ngấm.
Sau đó đổ bát thịt bò vào bát có chuối, khế, hành tây, dứa… trộn thật đều, nêm nếm cho vừa ăn, nhạt cho thêm nước trộn gỏi, muốn ăn cay hơn nữa thì cho thêm ớt. Cuối cùng cho rau thơm vào trộn đều và rắc lạc, vừng, hành khô, tỏi chiên giòn lên trên là xong.
4. Nộm gà xé phay
Nguyên liệu:
1/2 củ đậu.
1/2 củ cà rốt.
1/3 cái hoa chuối.
1/2 củ hành tây.
Luộc nguyên cả một con gà hoặc luộc phần đùi và lườn.
Rau thơm: rau mùi ta, rau răm.
Gia vị: tỏi, ớt, nước mắm, đường, chanh, muối tinh.
Cách làm:
Thịt gà luộc chín, xé hoặc thái nhỏ phần thịt đùi và phần lườn (Nếu xé thì xé phần thịt còn phần da thì đem thái).
Hoa chuối đem bào mỏng ngâm nước muối loãng pha chút giấm hoặc chanh để tránh cho hoa chuối bị thâm.
Hành tây thái mỏng. Củ đậu, cà rốt bào sợi. Cho tất cả hành tây, củ đậu, cà rốt ngâm vào bát nước có thả vài viên đá để các loại củ được tươi và giòn ngon hơn khi trộn nộm.
Rau mùi, rau răm nhặt và rửa sạch đem thái nhỏ hoặc thái rối tuỳ ý.
Cách pha nước sốt trộn: ba thìa nước mắm ngon, còn nếu bạn dùng nước mắm mặn hơn thì cho hai thìa + 3 thìa nước cốt chanh + tỏi ớt băm nhuyễn + 3 thìa đường (tất cả đong bằng thìa canh, thìa ăn phở), hoà đều các nguyên liệu cho tan đường.
Hoa chuối sau khi ngâm nước muối loãng với nước cốt chanh vớt ra để ráo nước.
Củ đậu, hành tây, cà rốt sau khi ngâm nước đá cũng vớt ra để ráo nước.
Cho tất cả các nguyên liệu vào một cái bát to: thịt gà (muốn phần thịt gà đậm đà hơn trước khi trộn nộm thì có thể trộn trước vài thìa nước trộn đã pha sẵn, hoa chuối, cà rốt, hành tây, củ đậu, rau thơm rồi đổ từ từ phần nước trộn.
Sau đó nếm thử nếu vừa rồi thì dừng lại còn chưa vừa thì cho thêm nước trộn.
Thích ăn thêm lạc rang thì rắc thêm vào món nộm.
5. Gỏi dưa leo trộn tai heo
Nguyên liệu:
Dưa leo: 2 quả.
Tai heo: 3 cái.
1 trái ớt sừng thái nhỏ.
2 thìa canh đậu phậu rang giã nhỏ.
Rau răm cắt nhỏ.
1 củ hành tím cắt mỏng.
3 tép tỏi băm nhuyễn.
Cách làm:
Bước 1: Tai heo mua về rửa sạch nhiều lần với nước muối. Cạo sạch lớp bẩn và lông bên ngoài, sau đó xả lại nhiều lần bằng nước lạnh.
Bước 2: Dưa leo mua về ngâm nước muối cho nhả hết chất độc, để ráo. Tiếp đến, chẻ dưa leo làm đôi, bỏ phần ruột, thái lát xéo mỏng vừa phải.
Bước 3: Luộc tai heo với 2 lít nước. Cho vào nồi nước luộc 1 thìa canh giấm, 1 thìa canh rượu trắng, 1 cục nhỏ đường phèn (nếu có), 1 mẩu gừng, nửa thìa café muối ăn, 1 củ hành tây. Luộc tai heo từ 30-35 phút.
Bước 4: Sau khi tai heo chín thì lấy ra ngâm trong 1 tô nước lạnh 5-10 phút giúp loại bỏ chất nhờn cũng như giữ được màu sắc và độ giòn. Sau đó vớt ra để ráo nước.
Bước 5: Thái tai heo thành sợi dài mỏng vừa ăn.
Bước 6: Pha nước mắm trộn gồm: 1 thìa canh nước mắm, 1 thìa canh nước cốt chanh, 1 thìa canh đường, 1/3 thìa café muối, nửa thìa cà phê tiêu trắng.
Bước 7: Cho tai heo đã thái sợi vào 1 tô lớn, tiếp đến cho phần nước mắm trộn cùng dưa leo đã chuẩn bị vào. Nhẹ nhàng bóp trộn đều hỗn hợp cho dưa leo và tai heo thấm đều nước mắm. Cuối cùng cho rau thơm, đậu phộng, hành, ớt, tỏi vào trộn chung. Gia giảm mắm và đường lại cho vừa miệng.
Bước 8: Lấy gỏi ra đĩa, trang trí bằng hoa ớt cho đẹp mắt. Món gỏi này ăn kèm với bánh phồng tôm hoặc bánh đa.
6. Nộm xoài trộn tôm khô
Tìm hiểu thêm: Bí quyết làm tô bún bò Huế ngon từ thịt, ngọt từ nước dùng cho ngày cuối tuần thảnh thơi
Nguyên liệu:
Xoài xanh có vị chua hoặc chua vừa: 3 quả to vừa, nếu xoài to thì 1-2 quả.
Tôm khô: 40gr.
Rau thơm: rau răm, mùi ta.
Lạc rang vàng.
Gia vị: mắm, muối, đường, ớt, tỏi, hành củ tím…
Cách làm:
Lạc rang chín: giã sơ qua.
Xoài: thái sợi hoặc bào sợi, ngâm ngay vào bát nước đá để giữ độ giòn cho xoài. (Nếu xoài chua quá thì bào xong trộn với chút đường, để 10 phút cho ra bớt nước chua rồi vắt sạch phần nước bỏ đi).
Tôm khô ngâm nước 10 – 15 phút cho nở, rửa sạch vớt ra để ráo.
Băm chút hành tím và tỏi, cho dầu ăn vào chảo phi thơm hành tỏi, đổ tôm vào xào, thêm ít đường và ít nước mắm (khoảng 1 thìa cà phê nhỏ), xào chín bắc ra để nguội (lưu ý tôm khô cũng có vị mặn rồi nên lựa cho ít nước mắm, chú ý khi phi hành tỏi không để được vàng quá mà đắng khi hành tỏi hơi hanh vàng là phải cho tôm vào luôn).
Rau răm và rau mùi thái nhỏ.
Cách làm nước trộn nộm: 3 thìa canh nước mắm ngon, 2 thìa canh đường, nếu thích ngọt hơn thì cho 3 thìa canh đường), thêm tỏi ớt băm nhỏ, trộn đều (vì xoài có vị chua rồi nên nước trộn của món này không cho chanh hoặc giấm), cũng có thể thái thêm chút hành củ tím cho vào cũng rất ngon.
Vớt xoài ra một cái rổ cho ráo nước, rồi đổ xoài vào bát to, cho tôm khô vào trộn đều, tiếp đến hành củ tím thái mỏng, nước trộn gỏi, trộn đều, có thể nêm nếm lại cho vừa miệng, cuối cùng rắc rau thơm và lạc rang lên trên rồi cho ra đĩa.
Lưu ý: Có thể trộn thêm chút hành tây thái nhỏ và chút cà rốt để tô điểm cho thêm đẹp không cần quá nhiều nhưng hai món này thái xong cũng phải ngâm nước đá để đảm bảo độ giòn cho món nộm.
7. Bò tái chanh
Nguyên liệu:
300 gram thịt bò thăn.
1 củ hành tây nho nhỏ, 100 gram lạc rang, 2 quả chanh tươi, 2 tép tỏi, 1 quả ớt tươi.
Gia vị: muối, bột canh, đường, hạt tiêu, mì chính (nếu thích).
Rau răm.
Cách làm:
Bước 1: Một trong những nguyên tắc đầu tiên để làm nên món bò tái chanh thơm ngon đó là phải chọn và mua được nguồn nguyên liệu thịt bò tươi ngon.
Bất kể món ăn nào cũng cần nguyên liệu tươi ngon nhưng với món bò tái chanh thì còn cần hơn thế nữa, vì chúng mình sẽ dùng phương pháp chín tái bằng chanh nên thịt bò mua được phải thật tươi.
Thịt bò mua về rửa sạch, lau khô bằng khăn sạch, sau đó thái mỏng.
Bước 2: Tiếp đến sẽ sơ chế các nguyên liệu tiếp theo: Hành khô bóc vỏ, thái mỏng. Vắt lấy nước cốt của 2 quả chanh (bỏ hạt để không bị đắng). Tỏi bóc vỏ, bằm nhỏ. Ớt bỏ hạt, thái nhỏ. Lạc đem rang chín, bỏ vỏ và giã sơ.
Bước 3: Trút phần thịt bò vừa thái vào cho vào bát nước cốt chanh. Lấy đũa trộn đều. Ước chừng thì khoảng 3 tiếng thịt bò sẽ chín, nhưng lưu ý 1 chút là trong quá trình làm chín thịt bò bằng nước cốt chanh, cứ 1 tiếng dùng đũa đảo đều thịt bò 1 lần để thịt được chín đều.
Sau 3 tiếng,đem chắt hết phần nước cốt chanh đi, trong bát còn lại nguyên liệu thịt bò lúc này đã chín tái và hơi se và thâm lại 1 chút.
Ướp vào đó 3 thìa cà phê đường, 1/2 thìa cà phê muối, 1/2 thìa mỳ chính (nếu thích), 1 thìa cà phê bột nêm, 1 thìa cà phê hạt tiêu.
Đeo bao tay vào trộn thật đều, ướp ít nhất khoảng 20 phút cho gia vị được ngấm đều vào thịt bò, lúc này các nàng không cần cho thêm nước cốt chanh vì khi làm chín thịt bò bằng nước chanh, thịt cũng đã được ngấm vị chua rồi.
Bước 4: Cuối cùng chỉ việc cho hành tây, ớt thái lát, tỏi bằm nhỏ vào trộn đều cùng thịt bò. Lúc này có thể nếm thử chút ít để điều chỉnh lại gia vị cho vừa miệng theo khẩu vị.
Thêm rau răm rửa sạch thái nhỏ và lạc rang giã sơ vào đảo đều. Sau đó, trút ra đĩa là đã hoàn thành.
8. Gỏi chân gà ngâm sả, tắc
Nguyên liệu:
1kg chân gà.
5 cây sả.
10 trái ớt.
10 tép tỏi.
1 củ gừng nhỏ.
15 trái tắc (quất).
Lá chanh non.
Nước, nước mắm ngon, đường, giấm, bột nêm, muối…
Cách làm:
Rửa thật sạch chân gà bằng muối pha nuớc loãng chặt bỏ phần móng, cắt làm đôi hoặc để nguyên tùy thích, sau đó rửa thật sạch.
Cho chân gà vào nồi luộc cùng 1 chút muối, gừng đập dập. Khi chân gà luộc chín vớt ra chậu nước đá lạnh 15 phút (bước này giúp chân gà được trắng và giòn).
Sau đó vớt ra rổ cho ráo nước.
Cho chân gà vào tủ lạnh 20 – 30 phút cho da khô lại khi ngâm chân gà giòn hơn…
Sả rửa sạch bào nhỏ phần đầu củ, phần giữa cắt khúc dài 4cm và chẻ nhỏ.
Ớt cắt nhỏ, tỏi đập dập.
Lá chanh thái nhỏ, trái tắc (quất) cắt đôi.
Pha nước ngâm chua ngọt chân gà:
1 chén đường cát, 1 chén giấm, 4 chén nước, 1/2 muỗng cà phê hạt nêm. Đun sôi hỗn hợp này và để thật nguội.
Sau đó, tiếp tục cho 3 muỗng canh nước mắm ngon cùng sả cắt, sả bào, tắc vắt nuớc ngâm luôn vỏ, ớt, tỏi, chân gà vô trộn đều, cắt nhỏ lá chanh non cho vào luôn.
Dùng một lọ thủy tinh hay hộp xếp tất cả chân gà và sả ớt vào ngâm cùng hỗn hợp nước mắm đã pha. Ngâm chân gà sau một ngày là có thể dùng được.
9. Nộm dạ dày
Nguyên liệu:
1 cái dạ dày lợn.
2-3 quả dưa chuột.
1 quả xoài xanh.
1 củ cà rốt.
Rau thơm: mùi ta.
3 củ hành tím.
2 cây sả.
Gia vị: nước mắm, chanh quất, tỏi, ớt, đường, bột canh…
Cách làm:
Dạ dày mua về rửa sạch dưới vòi nước, cạo sạch màng nhầy, nếu kiếm được lá đu đủ vò nát bóp với dạ dày sẽ sạch mùi hôi, còn không kiếm được lá đu đủ thì bóp bằng bột mỳ.
Đem dạ dày trần qua nước sôi, sau đó lại rửa sạch lại bằng muối và chanh cho trắng, lộn ngược dạ dày cắt bỏ lớp mỡ bên trong và rửa sạch, lúc luộc cũng để lộn dạ dày bên trong ra bên ngoài. Luộc dạ dày chín vớt ra bát nước đá lạnh, đợi dạ dày nguội hẳn vớt ra để ráo nước và thái mỏng theo ý muốn.
Cà rốt gọt vỏ thái nhỏ hoặc bào sợi.
Dưa chuột ngâm nước muối, bổ đôi bỏ bớt ruột để cả vỏ thái lát mỏng vừa và nhỏ.
Xoài xanh gọt vỏ bào sợi, ngâm ngay vào bát nước đá xoài được giòn ngon, bao giờ gần trộn thì vớt ra để ráo nước.
Rau thơm thái nhỏ.
Hành củ tím thái lát mỏng.
Xả thái lát mỏng.
Ớt, tỏi băm nhỏ.
Cách pha nước trộn nộm: 3 thìa canh đường + 4 thìa canh nước mắm + 4-5 thìa canh nước quất hoặc chanh +1 thìa canh bột canh, trộn cho đều và tan đường, nêm nếm vừa miệng theo khẩu vị, thêm tỏi, ớt, hành tím, sả trộn đều là xong (công thức này nên có sả món ăn sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều).
Lấy bát to, cho hết phần dạ dày đã thái mỏng vào, cho một nửa phần nước trộn nộm đi bao tay bóp cho đều và ngấm gia vị, tiếp đến là cà rốt, dưa chuột, xoài xanh, đổ nốt phần nước trộn và rắc rau mùi là xong.
10. Gỏi mực chua cay
>>>>>Xem thêm: Cách làm món thịt sườn chiên thơm nức mũi cho bữa cơm chiều
Nguyên liệu:
Mực ống tươi 2 con.
Gừng: 1 củ.
Hành tây.
1 trái cà chua.
200g bắp cải bào sẳn.
Rau thơm.
Đầu hành lá 10 cọng.
Ớt tươi, tỏi, đường, nước cốt chanh, nước mắm.
Cách làm:
Mực làm sạch, lột bỏ lớp da ngoài, cắt bỏ mắt… cắt miếng xéo vừa ăn cho đẹp, râu mực cắt 4.
Cho mực vào nồi nuớc thật sôi, đập 1 nhánh gừng nhỏ vào. Đun lửa vừa trong 10 phút, vớt ra đem xả ngay nước lạnh cho mực giòn, để thật ráo nước.
Hành tây cắt sợi dày.
Đầu hành lá trụng sơ.
Cà chua cắt múi cao.
Rau thơm rửa sạch.
Pha 4 thìa nước mắm, 4 thìa đường, 4 thìa nước cốt chanh vào bát nhỏ.
Sau đó cho 1 muỗng cà phê tỏi băm, 1 muỗng ớt tươi bằm nhuyễn và 1 muỗng cà phê gừng giã nát vào khuấy đều.
Mực để ráo nuớc vào tô lớn cho 1/2 lượng mắm trộn gỏi bên trên vào. Mực đảo đều cho thấm. Sau đó cho tất cả hành tây, hành lá, cà chua vào khi bày mực ra đĩa, cho rau thơm, với phần gia vị còn lại vào trộn đều lại như vậy khi ăn gỏi.