Hà Nội giờ bình minh đã muộn, hoàng hôn tới còn nhanh hơn chạy chợ, sáng còn mù sương đã thấy người nối người hối hả tới công sở, người ta cũng rủ nhau ra về lúc mặt trời chỉ vừa hết bóng.
Bởi thời gian mùa đông co lại ngắn ngủi nên các bữa lót dạ cũng vội vàng, khi có, khi không. Nhưng gió lạnh lại báo hiệu một mùa đặc biệt, mùa gọi tên nhiều chiếc bánh mùa đông.
Bạn đang đọc: Những chiếc bánh mùa đông
Bánh khúc
Chẳng ai gọi bánh khúc là chiếc bánh mùa đông, nhưng không ai có thể phủ nhận chiếc bánh lá xanh mởn, phủ từng hạt xôi nếp mẩy căng ấy lại hấp dẫn đặc biệt trong những ngày lạnh lẽo. Ăn bánh khúc, cảm nhận hơi ấm mơn man lan tỏa, để mỗi chúng ta sau khi thưởng thức lại thấy nhớ mỗi độ đông về. Bánh khúc thật ấm áp trong tiết trời đông giá, rất giản dị cũng rất thi vị.
Bánh khúc ngon là bánh được làm từ lá khúc tẻ mọc trên các bãi đất ven đê dọc triền sông. Lá khúc làm bánh phải là loại hái từ buổi sớm còn vương trên đó những hạt sương mai. Lá được đem ra thái nhuyễn rồi trộn với bột gạo để làm vỏ bánh.
Nhân bánh được làm từ đậu xanh đồ chín, giã thật mịn. nắm thành từng nắm tròn nhỏ như quả trứng gà, cùng với thịt ba chỉ Phải là thịt ba chỉ vì nếu chọn thịt nhiều nạc bánh sẽ bị khô, chua. Sau đó rắc thêm chút hạt tiêu cho dậy mùi. Vỏ bánh dàn mỏng thật khéo, bao kín lấy nhân bánh rồi xếp từng lượt bánh vào nồi hấp như đồ xôi, mỗi lớp bánh lại rắc một lượt gạo nếp thật ngon, đã ngâm kĩ làm áo.
Người sành ăn bánh khúc đều biết rằng chỉ ăn bánh vào giữa mùa đông mới là ngon nhất vì vừa ăn bánh, vừa thưởng thức hơi ấm nồng lan tỏa, cùng sự thay đổi của đất trời giao mùa và cảm nhận được sự sâu lắng trong tâm hồn.
Bánh gối
Nếu chiếc bánh khúc gọi tên mùa đông còn có chút lệch lạc, thì bánh gối đích thị là chiếc “bánh mùa đông”. Tiếng xì xèo của chảo dầu rán bánh mùa hè nghe ngấy ngậy mà sang đông lại trở nên cuốn hút kì lạ.
Ít có hàng bánh nào chỉ bán riêng bánh gối, bởi chẳng mấy ai mà chỉ ăn được riêng thức này. Bánh gối thường được bán kèm các loại bánh mặn ngọt cùng nhiều món đồ đặc trưng mùa đông khác như quẩy nóng, bánh rán, chân gà nướng… hoặc bán kèm cùng bún chả, bún nem. Nhưng không phải vậy mà bánh gối không có thương hiệu riêng. Nhờ bánh gối, nhiều con phố nhỏ đã trở nên nổi danh như bánh gối phố Hòe Nhai, phố Lý Quốc Sư, đường Lương Văn Can…
Làm bánh gối khá kì công bởi cả vỏ và nhân bánh là sự tổng hòa của nhiều nguyên liệu. Phần nhân bánh sử dụng các thành phần và cách pha trộn khá giống với món nem, hay bánh rán mặn, khác chút có chăng ở việc cho thêm miếng trứng gà luộc hay quả trứng cút con con. Vỏ bánh làm từ bột mì, vừa phải mềm dẻo để bao trọn nhân bánh, vừa phải đủ mỏng để khi rán lên có vị giòn ngậy đặc trưng. Hình dạng chiếc bánh cũng nửa công phu nửa đơn giản, chỉ giống như việc gập đôi tờ giấy, nhưng lại cầu kì trong việc xếp nếp vỏ bánh hình răng cưa sao cho bao kín nhân bánh. Và có lẽ cũng bởi hình dạng đặc trưng đó, mà bánh có tên là bánh gối.
Bánh gối chấm cùng nước chấm chua ngọt, điểm xuyết vài miếng đu đủ, cà rốt giòn giòn. Tất cả hương vị tổng hòa tạo nên hương vị bánh rất đặc trưng, đủ để níu giữ nỗi mong mỏi của thực khách mỗi độ đông về.
Bánh trôi tàu
Tuy không phải là món ăn thuần Việt, nhưng vị nóng ấm nồng nàn đặc trưng của món bánh trôi tàu tự bao giờ lại trở thành một phần không thể thiếu trong mùa đông Hà Nội.
Tìm hiểu thêm: Bánh nếp đường nâu siêu ngon, giòn bên ngoài, dẻo bên trong, tự làm ở nhà còn ngon hơn ngoài hàng
Bánh trôi tàu là món ăn chơi giản dị, các quán bán bánh trôi tàu cũng chỉ nhỏ nhắn, bình dân nhưng hương vị món bánh nếp thơm lừng mùi gừng tươi, béo ngậy bị dừa lạc lại mang tới thứ trải nghiệm ‘cao sang’ bất ngờ.
Giản tiện lắm, chỉ cần một bếp than vừa đủ đượm, một nồi nước thơm nức màu nâu sánh cùng những viên trôi béo núc, dẻo dính, đôi bộ bàn ghế con con là có thể thành thơi chờ thưởng thức món “đặc sản” mùa đông trong gió rét.
Một bát bánh trôi tàu bao giờ cũng có hai viên bánh cỡ lớn tầm một quả trứng gà, một viên có nhân đậu xanh xay nhuyễn cùng đường cát, viên kia lại là nhân vừng đen xay. Tùy vào khẩu vị hay bí quyết riêng của từng hàng mà chủ quán gia giảm nguyên liệu làm nhân, cách biến tấu thường gặp là thêm một chút dừa nạo vào cùng nhân bánh. Nước chan sóng một màu nâu vàng ánh ngọt ngào như màu mật mía, thơm nồng hương gừng khiến ăn tới đâu, hơi ấm xực tỏa len lỏi khắp cơ thể, cảm giác thích thú đến khó tả. Thông thường bành trôi tàu còn được ăn kèm với một chút dừa nạo tươi, lạc rang đập giập, rắc thêm chút vừng đen cùng một lớp cốt dừa mỏng phía trên. Mọi hương liệu đều được lựa chọn thật khéo léo. Đó đều không phải là những vị quá sắc, không ngọt quá, không nồng quá, tất cả chỉ dừng ở mức thơm, lịm vừa phải khiến món bánh trôi tàu trở nên vừa miệng, dễ ăn vô cùng.
Và chẳng biết từ bao giờ, ẩm thực đường phố Hà Nội đã lưu tên món ăn từ một nền văn hóa khác, mà lại gần gụi, gắn bó với người dân thủ đô hơn bất kì điều gì khác.
Bánh rán, bánh khoai. bánh chuối, bánh ngô…
Kí ức thời còn trên ghế giảng đường có thể sẽ níu bạn lại ở hình ảnh những hàng bánh rán, bánh ngô, khoai, chuối bình dân bên góc cổng trường, hè phố. Những nguyên liệu đậm chất thôn quê bình dị, vị thơm ngậy, ngọt béo của đường, bột, dầu ăn trở thành hương vị quyến rũ khó chối từ của món ăn giản dị này.
Tiết đông se lạnh là là thời điểm những chiếc bánh “quê mùa” ấy lên ngôi. Ai mà không mê đắm sắc vàng ươm hấp dẫn của từng chiếc bánh, hương thơm ngào ngào của từng sản vật quê hương. Nào ngọt bùi của khoai, ngậy béo của ngô, dẻo thơm bột nếp, giòn rùm bột mì…mỗi thứ bánh mang hương vị riêng mà đặt cạnh nhau lại khiến sự thèm thuồng càng nhân lên gấp bội.
>>>>>Xem thêm: Sườn ướp trước hay chần trước? Món sườn om nếu sai thứ tự sẽ rất khô và dai đấy!
Các hàng bánh rán, bánh khoai thường không bán trong cửa hàng, cửa hiệu dù giản tiện nhất mà thường chỉ thấy bên lề đường, nơi vương chút bụi bặm dân dã. Nhưng chính cái bụi bặm ấy lại ươm thêm gió, ươm cả hạt nắng cuối mùa để tạo nên cách thưởng món ăn độc đáo riêng có của người Hà thành. Tấp vào lề đường tìm một chiếc ghế nhỏ, nhìn dòng người ngược xuôi, chuyện trò cùng đám bạn, cảm nhận cơn gió lạnh tràn về khi trên tay cầm chiếc bánh bỏng rẫy, thấy nhịp Hà Nội chậm lại, khẽ khàng…