Một ‘mẹ đảm’ tiết lộ khi đi mua gia vị nên đọc các thành phần ghi trên chai lọ.
Từ trước đến nay, nhiều người thường xuyên đến siêu thị, cửa hàng tạp hóa mua gia vị nhưng chỉ đọc tên và công dụng của gia vị nhưng lại không rõ loại gia vị nào có chứa thành phẩm độc hại.
Bạn đang đọc: Cách phân biệt gia vị nên mua và tránh mua vì có thành phần độc hại không phải ai cũng biết
Mới đây, một “mẹ đảm” người Việt đang sinh sống tại nước ngoài đã chia sẻ cách phân biệt gia vị nên mua và không nên mua: “Xin chào cả nhà, hôm nay em chia sẻ chút với cả nhà về việc thay đổi thói quen sử dụng gia vị trong nấu ăn hàng ngày ạ.
Ngày trước thì em không có thói quen đọc nhãn ghi thành phần trên sản phẩm, thấy bà với mẹ hay nấu gia vị gì ngon thì mua theo thôi. Xong từ đợt đọc cuốn sách The Doctor’s Diet, trong đó bác sĩ có đề cập ngay ở đoạn đầu cách lựa chọn thực phẩm công nghiệp, xong em mới tìm hiểu thêm các nghiên cứu trên mạng, xong rồi thay đổi toàn bộ cách sử dụng gia vị trong nấu ăn, luôn có thói quen đọc nhãn sản phẩm khi mua hàng.
Thực ra thì thực phẩm công nghiệp (mắm, muối, gia vị, bột ngọt, sốt,…) luôn có mặt và được sử dụng hàng ngày trong căn bếp của các anh chị yêu xoong yêu chảo, nhưng thành phần trong tất cả những cái đó có ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe. Ảnh hưởng ở đây là tích tụ từ quá trình sử dụng lâu dài, chứ không phải ăn vào là chết luôn, nên không có quá nhiều người để ý đến “trong cái chai/lọ/bình/túi đó thực chất có gì”.
Sau đây em xin phép chia sẻ một vài tips lựa chọn gia vị và thực phẩm công nghiệp đóng gói em đọc từ cuốn sách The Doctor’s Diet, và em đã áp dụng vào căn bếp của gia đình.
Đọc bảng thành phần mà có chữ không đọc nổi thì không nên mua:
– Tại sao không đọc được thì không mua? Em hiểu đơn giản là nếu đã là nguyên liệu tự nhiên hay quen thuộc thì dễ gọi thành tên rồi, nhưng cầm cái đồ lên soi thành phần mà có mấy cái chữ “không phải dân chuyên hóa thì không đọc được”, thì đó chính là chất hóa học… Và thú vị là, chúng nó xuất hiện len lỏi trong thực phẩm đóng gói – cái mà ta sử dụng hàng ngày. Theo năm tháng mà sử dụng đều đặn thì khá ảnh hưởng đến sức khỏe.
– Tránh các thực phẩm có thành phần kí hiệu bằng chữ E ở đầu + 3 chữ số đằng sau (ví dụ E621, E102…)
– Chữ E được dùng để đánh số các phụ gia nhân tạo như chất bảo quản, chất điều vị, phẩm màu, chống vón,… Các chất này có chất là tổng hợp từ nguyên liệu tự nhiên, có chất là chất hóa học hoàn toàn. Nhưng tất cả đều là nhân tạo và tinh chế, chứ không làm trực tiếp từ đồ tự nhiên đưa vào sản phẩm. Giờ đi siêu thị chọn gia vị, nước mắm, xì dầu,… Em phải soi xem có chữ E không, cái nào mà có thì tránh xa. Giờ nhiều sản phẩm cũng không để chữ E trong thành phần, cơ mà thấy thành phần nào có 3 chữ số là em cũng tạm biệt luôn. Muối thì nhà em chỉ dùng muối hồng và muối biển, tuyệt đối không dùng bột nêm, bột ngọt. Ngọt thì em hay đun xương, dầm cà chua,… để có chất điều vị (MSG từ các thực phẩm tươi và tự nhiên) chứ không hề anti MSG nhé ạ.
Đường và muối: Nên cẩn trọng với 2 loại gia vị này, đường thì ai cũng biết nó hại sức khỏe vô cùng nếu lạm dụng rồi. Còn muối, tất nhiên ăn mặn thì sẽ khát nước với lại đi vệ sinh khai, nhưng dùng nhiều muối sẽ không tốt cho tim mạch nữa. Tất nhiên 2 loại gia vị này khá quen thuộc trong căn bếp của tất cả mọi người, nhưng nên hạn chế và thay thế những loại đường tinh luyện và bột canh bằng các loại đường thô và muối hồng/muối biển.
Với thói quen cá nhân em, từ lâu em đã không sử dụng các loại sốt ướp thịt mua siêu thị hay sốt salad đóng chai công nghiệp, vì những sản phẩm đó rất nhiều phụ gia, hóa chất, đường và muối. Sốt ướp thịt thì em hay xem hướng dẫn trong các công thức nấu ăn, em chủ yếu dùng herbs and spices (rau gia vị và bột các loại hạt, củ) rồi trộn với muối, nước cốt chanh và dầu ăn để ướp thịt. Sốt salad thì bọn em tự trộn mỗi bữa, sử dụng đa dạng các loại dầu thực vật có lợi, giấm, và những gia vị tự nhiên trên.
‘Mẹ đảm’ thường xuyên sử dụng những gia vị tốt để ướp đồ ăn.
Gửi cả nhà chút ảnh về các bạn gia vị trong căn bếp nhỏ của em. Năm mới đến rồi, hi vọng bài viết có ích cho mọi người trong việc lựa chọn thực phẩm công nghiệp và sử dụng gia vị để mỗi bữa ăn vừa ngon nhưng lại tốt cho sức khỏe. Ngày xưa em hay tặc lưỡi “ăn 1 tí thôi không chết được luôn đâu”, đúng là không chết được luôn thật, nhưng tích tụ vài năm, vài chục năm thì sẽ đến lúc. Từ đợt thay đổi thói quen nấu ăn, em thấy đầu óc cơ thể da dẻ ổn hơn rất nhiều, và quan trọng là mình ăn vẫn ngon và hạnh phúc khi được ăn ngon.
Tìm hiểu thêm: Kết hợp gà cùng dưa hấu: Nghe lạ lùng nhưng thành phẩm lại ngon vô đối
>>>>>Xem thêm: Bánh khoai tây tím bọc phô mai tan chảy, thơm lừng béo ngậy
Mẹ đảm bật mí một số đồ gia vị hay dùng.
Và cái gì cũng vậy, nhiều quá thì sẽ mất cân bằng và ảnh hưởng không tốt, vì thế cũng nên tìm hiểu cái mình đưa vào miệng là cái gì, và ăn liều lượng ra sao để vẫn đảm bảo sức khỏe.
Cảm ơn cả nhà rất nhiều. Chúc mọi người và căn bếp 1 năm luôn rực rỡ với những món ăn ngon mắt ngon miệng ngon cả sức khỏe và tinh thần nhé ạ. Mấy lọ gia vị là do nhà em không có tiền để mua rau củ gia vị tươi hàng ngày (bên này họ bán đắt) nên em mua dạng lọ đã sấy khô vậy, chứ em thấy ở Việt Nam rau mùi với các loại củ quả gia vị tương tự như vậy vừa tươi vừa rẻ hơn nhiều ý ạ. Hành tỏi nghệ gừng sả các thứ mọi người ở Việt Nam dùng tươi suốt vì chỗ nào cũng bán, giá hợp lí. Có các bác bảo ăn như kia ai mà đu được… tội nghiệp em, là em ở đây không đu được kiểu gia vị tươi nhiều như ở quê hương vì ở đây nó đắt thôi ạ”.
Theo Đỗ Thảo