Lẩu ếch, lẩu riêu cua bắp bò, lẩu sườn sụn… nóng hổi ăn kèm với mì hoặc bún sẽ là lựa chọn thú vị cho gia đình bạn trong những ngày mưa lạnh.
Từ ngày 10/10, miền Bắc đón đợt không khí lạnh đầu tiên trong mùa đông năm nay. Khi trời mưa, thời tiết se lạnh bạn có thể “đổi gió” khẩu vị cho gia đình sang các món lẩu ngon, dễ làm dưới đây:
Bạn đang đọc: Công thức làm 10 món lẩu ngon, đơn giản khi thời tiết se lạnh
1. Lẩu ếch
Nguyên liệu:
Thịt ếch 1,5 kg
Xương ống 0,5 kg
Giò sống 50g
Thịt lợn nạc xay nhuyễn 250g
Măng củ 500g
Đậu phụ, váng đậu
Rau muống
Lá lốt
Mùi tàu, lá chanh
Nấm hương
Gia vị: sả, tỏi, hành khô, hạt tiêu, ớt bột, sa tế, me chua.
Lẩu ếch thơm ngon đãi cả gia đình trong những ngày thời tiết se lạnh còn gì bằng.
Cách làm:
Bước 1: Xương ống rửa sạch, chặt miếng rồi cho vào ninh. Đến khi nước sôi, gạn bỏ hết phần nước đó ra, thêm nước ấm vào ninh lại.
Sả đập dập rồi cho vào nồi nước. Xương ống rửa sạch, chặt miếng rồi cho vào ninh. Khi nồi nước dùng sôi, vặn nhỏ lửa lại, bỏ vung rồi hớt bọt cho trong nước. Thêm vào nước dùng hạt nêm và me chua cho vừa ăn là được.
Bước 2: Ếch nên nhờ người bán làm sẵn. Về bạn chỉ cần chặt miếng vừa ăn là được.
Bước 3: Nhặt rau muống, rửa sạch. Lá lốt rửa sạch rồi chia đôi, 1 nửa đem thái nhỏ. Mùi tàu thái khúc khoảng 2 cm. Măng củ thái hình con chì, đem luộc khoảng 3 nước rồi rửa sạch lại lần nữa, để ráo.
Bước 4: Sả bỏ vỏ rồi thái nhuyễn, đem cho vào ướp cùng số ếch nguyên miếng cùng chút hạt nêm cho đậm đà.
Dùng 1 bát tô, cho số mình ếch đã băm nhỏ vào cùng thịt xay nhuyễn, giò sống, thêm hành khô và lá chanh xắt nhỏ.
Thêm tiêu xay, ớt bột và hạt nêm vào rồi trộn đều các nguyên liệu với nhau. Viên hỗn hợp thành từng viên nhỏ rồi chiên vàng.
Bước 5: Lá lốt lấy 1 phần băm nhỏ, trộn với đùi ếch băm cùng 150g thịt nạc xay, nêm hạt nêm, tiêu xay. Cuộn các nguyên liệu với lá lốt rồi rán vàng. Tiếp tục rán phần ếch nguyên miếng đến khi nào ếch có màu vàng đẹp mắt thì gắp ra.
Bước 6: Váng đậu cắt từng miếng vuông vừa ăn, chiên phồng. Tỏi băm nhỏ, phi thơm rồi vớt ra. Măng xào lửa vừa, thêm hạt nêm và sa tế và đảo cùng. Trút phần ếch đã rán vàng và tỏi phi vào chảo măng, đảo đều cho ếch ngấm gia vị. Thêm ít lá lốt và mùi tàu vào rồi tắt bếp.
Bước 7: Nấm hương ngâm nở, cho vào nước dùng. Đun sôi nước lẩu rồi thả hết phần ếch xào măng vào cùng. Món lẩu ếch ăn kèm rau muống, đậu phụ, váng đậu và bánh đa đỏ thì rất ngon miệng.
2 . Lẩu sườn sụn om sấu
Nguyên liệu:
Sườn sụn: 1 kg
Sườn thăn: 0.5 kg
Đậu phụ: 4 bìa nhỏ
Cà chua: 4 quả
Hành tây: 1 củ
Rau muống: 1 mớ
Hành, mùi tàu, sấu
Bún
Cách làm:
Bước 1: Dùng dao sắc thái sườn sụn thành những lát mỏng, bày riêng ra đĩa. Sườn thăn sau khi trần qua với nước sôi, vớt ra rửa sạch rồi các bạn mới tiến hành cho sườn vào ninh khoảng 30 phút, không cần ninh sườn kĩ kẻo khi ăn lẩu sườn sẽ bị nhừ quá.
Bước 2: Hành, mùi tàu nhặt rửa sạch, cắt khúc. Hành tây bóc vỏ xắt múi cau. Cà chua bỏ hạt, bổ làm tư.
Bước 3: Thả sấu, hành tây và 2 quả cà chua vào nồi sườn đun để lấy màu và mùi thơm. Lượng sấu các bạn gia giảm cho hợp với khẩu vị thích ăn chua của gia đình, nêm bột canh cho nước lẩu có độ mặn vừa miệng.
Bước 4: Khi chuẩn bị ăn, muốn nước lẩu dậy mùi các bạn chỉ việc thả vào nồi 1 nắm hành và mùi tàu là nồi nước lẩu tỏa mùi thơm rất hấp dẫn, cho nốt 2 quả cà chua còn lại vào.
Bước 5: Đậu phụ xắt miếng vừa ăn, rau muống nhặt rửa sạch, cấu bỏ bớt lá chủ yếu giữ lại phần cọng và lá non ở ngọn. Bày tất cả các nguyên liệu dùng để nhúng kèm xung quanh nồi lẩu sườn sụn và thưởng thức.
3. Lẩu riêu cua bắp bò
Nguyên liệu cho 6 người ăn:
Cua đồng: 1kg
Thịt bò, lấy phần lõi hoa ăn cho ngon: 1kg
Rau sống: bao gồm xà lách xoăn, rau thơm, rau răm, mùi, hoa chuối, thân chuối, kinh giới, tía tô…., giá đỗ.
Đậu phụ: 10 bìa
Cà chua: 1kg
Me: 4, 5 quả
Giấm bỗng
Hành khô thái mỏng
Hành, mùi tàu thái nhỏ
Cách làm:
Rau sống và giá đỗ rửa sạch, để ráo nước. Cà chua rửa sạch, bổ múi cau.
Thịt bò thái miếng mỏng.
Gạch cua để riêng gạch ra 1 bát nhỏ, còn lại giã nhỏ, lọc bỏ bã. Bắc nồi nước cua lên bếp, cho vào 1 thìa cafe gia vị hoặc hạt nêm đun to lửa, quấy nhẹ tay đến khi gạch bắt đầu nổi thì dừng lại, lúc này không được quấy nữa, nếu không sẽ nát gạch cua. Vặn nhỏ lửa, tiếp tục đun cho gạch cua chín hẳn.
Trong thời gian nồi cua sôi trên bếp thì ta làm các bước còn lại.
Đậu phụ cắt mỏng, chiên vàng. Hành khô xắt mỏng phi vàng thì cho gạch cua và 1 ít gia vị vào xào chín, cho ra bát.
Cho cà chua vào chảo đun cho chín nhừ. Đổ cà chua vào nồi cua. Dùng một nồi nhỏ đun cho nhừ me, lọc lấy nước đổ vào nồi cua. Nêm thêm giấm bỗng, gia vị cho vừa miệng.
Cho nước cua ra nồi lẩu, cho thêm hành phi, gạch cua và các gia vị đã chuẩn bị. Cho nước cua ra nồi lẩu, cho thêm hành phi, gạch cua và hành, mùi tàu thái nhỏ vào, cho sa tế, đậu chiên vàng, nhúng rau, thịt bò để thưởng thức, ăn kèm với bún.
4. Lẩu Thái chua cay
Nguyên liệu:
6 con tôm sú
10 quả cà chua bi (cắt đôi)
6-8 cái nấm rơm
Nước dùng: 15-20 con tôm cỡ vừa; 5-6 lá chanh; 2 quả chanh vắt nước; 20g rau mùi; 1 nhánh riềng thái lát; 3 cây sả; 2 tép tỏi; 2 quả ớt đỏ; 500ml nước.
Gia vị: 45g sốt Thái; 45g tương ớt Thái; 15ml nước mắm (các nguyên liệu Thái có thể mua ở siêu thị).
Cách làm:
Bước 1: Nấm rơm, cà chua rửa sạch, bổ đôi.
Bước 2: Sả đập dập rồi băm nhỏ.
Bước 3: Chuẩn bị nước dùng tôm: Tôm rửa sạch cho vào trong chảo có chút dầu xào qua sau đó thêm 500ml nước vào. Đun sôi rồi nấu thêm 20 phút nữa.
Bước 4: Đun nóng một chảo, thêm ít dầu rồi cho tỏi, sốt Thái, tương ớt Thái, lá chanh, ớt đỏ, vào xào.
Sau đó đổ nước dùng tôm vào cùng nước cốt chanh, nước mắm, riềng, sả và rau mùi.
Bước 5: Đun sôi nồi nước lẩu, thêm cà chua, nấm vào nấu thêm 10-15 phút. Cuối cùng thêm tôm sú vào, nếu thêm 7-10 phút cho tôm sú chín. Đổ nồi nước lẩu Thái chua cay ra nồi lẩu chuyên dụng rồi thưởng thức cùng gia đình.
5. Lẩu bò sa tế
Nguyên liệu:
300gr thịt bò phi lê
300 gr thịt nạm bò
3 trái cà chua
5 lọn mì vắt
5 cây sả
1 hũ sa tế tôm
1 muỗng canh gia vị bò kho
15 gr đậu phộng rang
2 trái ớt sừng
2 lít nước dùng
Gia vị: Giấm 3 muỗng canh (có thể thay bằng me hay tắc), đường trắng, muối, hạt nêm, nước mắm, tiêu.
1 muỗng canh hành tím băm, 2 muỗng cà phê tỏi băm,1 muỗng canh dầu ăn.
Cách làm:
Bước1: Cắt thịt nạm bò thành từng miếng vuông vừa ăn. Sau đó cho vào tô thịt bò 10gr hành tím băm, 10gr tỏi băm và 1 muỗng canh hạt nêm. Tiếp theo cho 45gr sa tế dầu Vianco. Dùng đũa đảo đều và ướp 30 phút để thịt thấm gia vị.
Để món lẩu bò sa tế được đậm vị bò, nên chọn thịt nạm có phần gân ở giữa, khi hầm mềm thịt bò sẽ tiết ra chất ngọt.
Bước 2: Đun nóng 1 muỗng canh dầu ăn, cho 10gr tỏi băm, 10gr hành tím băm và 30gr sả băm vào phi thơm. Tiếp theo cho thịt nạm bò đã ướp và 50gr cà chua vào xào sơ. Sau đó cho 2 lít nước dùng xương gà và 100gr bắp mỹ cắt khúc vào nấu 30 phút đến khi thịt nạm bò chín mềm.
Bước 3: Nêm gia vị vào nồi lẩu bò gồm 1/2 muỗng canh hạt nêm, 1/2 muỗng canh muối, 1 muỗng canh đường, 1/2 muỗng cà phê giấm trắng; thêm 10gr ớt sừng và 45gr sa tế. Khuấy đều để các gia vị hòa quyện vào nước lẩu.
Bước 4: Lẩu bò sa tế dọn nóng ăn kèm mì hoặc bún, trụng thêm thịt bắp bò cắt mỏng và các loại rau nấm như nấm linh chi, bắp cải tím, cải thảo, cải thìa và củ sen rất thích hợp. Ngoài ra có thể thay đổi loại rau theo ý thích gia đình mình.
6. Lẩu gà lá giang
Tìm hiểu thêm: ‘Khó cưỡng’ với ốc chiên ngũ vị giòn thơm
Nguyên liệu:
1 con gà ta (khoảng từ 1,3 – 1,5kg)
1 bó lá giang
1kg bún tươi
Tỏi, hành tím, ớt, sả
Rau muống chẻ, bắp chuối bào, giá đỗ, rau rút, mùi tàu ngò gai…
Muối, dầu ăn, đường, bột ngọt, nước mắm ngon, tiêu, sa tế.
Cách làm:
Bước 1: Cho dầu ăn vào chảo nóng, phi thơm hành tỏi băm và sả. Sau đó tiếp tục đổ gà vào xào cùng. Khi thịt gà săn lại thì đổ khoảng 2 lít nước vào đun cho đến khi sôi lên (thường xuyên vớt bọt), vặn nhỏ lửa.
Bước 2: Sau khi thịt gà chín mềm thì cho lá giang vào đun nước lẩu sôi lên sau đó nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn.
Bước 3: Múc nước dùng vào nồi lẩu, cho thêm tỏi phi và sa tế vào để thêm phần đậm đà của món ăn. Cho các loại rau vào trụng và ăn kèm với bún, nước mắm.
7. Lẩu đuôi bò
Nguyên liệu:
1/2 kg đuôi bò
4 tép tỏi
2 củ cải trắng
2 quả ớt
300g xương heo
3 củ sả
1 củ gừng
Tương bần (tương Bắc), bột ngọt, hạt nêm, đường, muối.
Cách làm:
Bước 1: Ướp nguyên liệu
Đuôi bò, xương heo rửa sạch chặt từng miếng vừa ăn. Cho xương heo vào ướp cùng nửa thìa cà phê hạt nêm, nửa thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê bột ngọt để khoảng 15 phút cho ngấm gia vị. Cùng lượng gia vị đó, ướp đuôi bò thêm xả đập dập trộn đều để đuôi bò ngấm gia vị.
Bước 2: Nấu nước dùng
Cho xương heo vào nồi áp suất với 200ml hầm trong khoảng 10 phút, sau đó múc xương heo ra. Tiếp theo bạn cũng cho đuôi bò vào nồi áp suất hầm khoảng 15 phút rồi để nguội, cho đuôi bò ra.
Cho tiếp củ cải trắng, gừng nướng đập dập vào nồi nước dùng rồi nêm gia vị cho vừa ăn. Nước sôi, nhúng rau mồng tơi vào. Để thưởng thức lẩu đuôi bò ngon hơn, bạn có thể pha thêm nước chấm tương bần vắt chanh tỏi.
8. Lẩu hải sản
Tôm tươi (chuẩn bị tôm to): 300 gram
Mực tươi: 300 gram
Ngao: 1kg
300 gram thịt cá trắm thái lát (hoặc có thể thay bằng thịt cá vược, cá hồng cũng rất ngon)
Nấm ăn kèm: 300 gram nấm kim châm, nấm hương, nấm hải sản.
Các loại rau ăn kèm tùy thích như: rau cần, rau muống, cải thảo, súp lơ…
1 kg xương ống (hoặc sườn)
Hạt nêm, nước mắm, sa tế, chanh tươi
2 quả cà chua nhỏ, thái múi cau, 1/2 quả dứa ương
Hành, tỏi, sả
Bún: 1kg
Cách làm:
Bước 1: Ninh nước dùng
Xương heo mua về, rửa sạch, luộc qua nước sôi chừng 2 phút. Sau đó, mới cho xương vào nồi, chế lượng nước vừa ăn. Đun sôi sau đó vặn nhỏ lửa ninh liu riu. Các bạn chú ý là trong quá trình ninh xương không cho gia vị vì nếu cho gia vị vào sớm sẽ hãm độ nhừ của xương, đồng thời nước dùng còn bị chua, mất ngon. Hầm khoảng 1h đồng hồ cho nước dùng được ngọt.
Bước 2: Trong lúc chờ đợi nồi xương ninh, các nàng sơ chế các nguyên liệu ăn kèm lẩu nhé: tôm chọn tôm tươi và to, rửa sạch, để ráo. Ngao rửa sạch. Mực sơ chế sạch, thái lát. Các loại nấm và rau rửa sạch, để ráo nước.
Bước 3: Hành, tỏi, sả băm nhỏ (khoảng 1 củ hành, 1 củ tỏi, 2 củ sả). Cho nồi lên bếp, cho vào trong nồi 3 thìa con dầu ăn. Đợi dầu nóng, các nàng rút hành, tỏi, sả bằm nhỏ vào, phi thơm cùng với 2 thìa sa tế (nếu thích măm cay hơn, có thể cho thêm). Cho tiếp cà chua vào đảo đều rồi thêm nước ninh xương vào. Nêm nếm gia vị cho vừa miệng.
Bước 4: Đun sôi nồi lẩu, thêm dứa vào cho nước lẩu có vị thơm dịu và chua nhẹ. Đợi sôi 1 lúc là chúng mình đã có ngay nồi lẩu nóng hổi để thưởng thức rồi.
9. Lẩu lươn hoa chuối
Nguyên liệu:
800gr lươn
Rau quả: 300gr bắp chuối bào, 1/4 trái thơm (dửa), 2 trái cà chua, 2 cây ngò gai, 4 cây ngò om.
Gia vị: 2 trái ớt, 1 muỗng canh tỏi băm, 1 muỗng canh hành tím băm, 30 ml dầu điều, hạt nêm, muối, đường trắng , nước mắm, bột ngọt.
3 trái quả sấu tươi (có thể thay bằng tắc hoặc me)
Cách làm:
– Lươn sát muối cho sạch nhớt rồi rửa sạch, cắt khúc khoảng 3 cm. Ướp lươn với 1 muỗng cà phê muối, 1/2 muỗng cà phê bột ngọt trong khoảng 10 phút cho thấm gia vị.
– Thơm cắt lát. Cà chua cắt múi cau. Ớt trái đập dập. Dùng dao chẻ đôi trái sấu rồi đập dập chúng cho vị chua dễ hòa tan vào trong nước lẩu hơn. Cho tất cả ra đĩa.
– Đun sôi 1.5 lít nước trong nồi. Trong khi chờ nước sôi thì đun nóng 30ml màu dầu điều trong 1 chảo, phi thơm chỗ tỏi và hành tím băm, cho lươn đã ướp vào, xào sơ qua cho thịt lươn săn và thấm gia vị. Sau đó trút ra đĩa.
– Khi nước trong nồi sôi thì cho vào nồi 2 trái ớt đập dập, trái sấu, cà chua và thơm. Nêm vào 2 muỗng cà phê muối, 2 muỗng cà phê hạt nêm, 2 muỗng cà phê bột ngọt, 2 muỗng canh đường, 2 muỗng canh giấm và 2 muỗng canh nước mắm, nêm lại cho vừa ăn. Sau đó cho lươn vào, nước sôi thì tắt bếp.
Cách nấu lẩu lươn: Cho sấu, cà chua, thơm vào nồi nước sôi.
– Múc lẩu lươn ra 1 nồi khác, rắc thêm ngò gai và ngò om. Khi dùng thì cho bắp chuối bào vào đun sôi, ăn kèm với bún.
10. Lẩu vịt măng cay
>>>>>Xem thêm: Mách bạn ‘món tủ’ thịt bò sốt cay đậm đà, ấm lòng ngày mưa, chồng con gắp không dừng đũa
Nguyên liệu:
1 con vịt khoảng 1.5kg
Măng chua: 500 gram
Dừa: 2 quả
Gừng, tỏi, hành
Đậu phụ: 6 miếng
Váng đậu: 1 túi
Gia vị: tiêu, muối, đường, bột ngọt, rượu trắng, ớt, sa tế.
Rau ăn kèm: rau muống, cải thảo, nấm các loại.
Cách làm:
Bước 1: Vịt mua về làm sạch (Lưu ý: Bạn nên chọn vịt đực sẽ ngon hơn vịt cái, vịt ngon là những con ức tròn, da cổ và da bụng dày, mọc đủ lông. Nếu mua vịt làm sẵn nên chọn những con da bụng dày, ấn vào da thấy độ đàn hồi tốt là vịt tươi).
Đậu phụ thái miếng vừa ăn. Các loại rau ăn kèm bao gồm: Rau muống, cải thảo, nấm các loại rửa sạch và để ráo nước.
Bước 2: Đợi vịt ráo nước, chặt vịt thành những miếng nhỏ và ướp cùng 1 thìa nước mắm, 1 thìa hạt nêm, 1 thìa tiêu, 1 thìa hàng khô, 1 thìa gừng băm. Ướp trong khoảng 20 phút cho vịt ngấm gia vị.
Bước 3: Măng chua thái mỏng, luộc 2 lần cho ra hết vị hăng và để ráo nước. Tiếp đến, cho dầu ăn lên chảo, sau đó trút măng vào xào sơ, khâu này giúp măng được ngấm gia vị và khi ăn măng sẽ mềm hơn, không bị cứng.
Bước 4: Bắc nồi lẩu lên bếp, cho khoảng 1 muỗng dầu ăn, đợi dầu nóng cho tỏi băm vào phi thơm, sau đó trút thịt vịt vào xào cho săn. Khi thịt vịt đã săn, bạn cho sa tế vào (tùy khẩu vị nên cho ít hay nhiều).
Tiếp đến bạn cho khoai môn và nấm hương vào xào, đảo đều tay để gia vị được thấm đều lên vịt. Sau đó, đổ nước dừa xiêm và nước lạnh vào nồi đến khi thấy ngập mình vịt là được.
Bật lửa to cho đến khi sôi thì vặn nhỏ lửa đun trong khoảng 1 giờ đồng hồ để thịt vịt được mềm.
Khi thịt vịt đã chín mềm, nước dùng ngọt và đậm vị, bạn cho phần măng đã xào và phần đậu phụ thái nhỏ vào, thêm váng đậu vào và đặt lên bếp từ dùng nóng, nhúng lẩu cùng các loại rau nấm đã được rửa sạch.