Xuôi về hướng biển khoảng 5 cây số cách trung tâm thành phố Sóc Trăng là vùng đất Mỹ Xuyên. Ngày trước nơi này còn có tên gọi là Bãi Xàu với nhiều giai thoại gắn liền với nó.
Chuyện xưa kể rằng, một vị vua đã lưu lạc đến đây, có một người hầu tên Chanh giỏi tài nấu nướng. Vua quý nàng nên nàng bị các cung phi khác ghen ghét. Họ sàm tấu với vua rằng các món ăn dâng vua, nàng Chanh đều đã nếm qua trước. Vua quyết trị tội nàng.
Bạn đang đọc: Về nơi “cỏ mọc thành tinh”, ăn bò nướng ngói
Hay tin, sợ quá nên Chanh bèn trốn đi. Đến quãng vắng, nàng dừng lại nấu cơm ăn, cơm chưa chín thì nghe tiếng bước chân quân lính đang đuổi tới. Bỏ cơm, nàng liền chạy ra biển, khấn rằng: Nếu mình trong trắng, vô tội thì máu được biến thành nước biển Đông, tóc thành rễ dừa, vú mình biến thành trái bần, bắp đùi mình biến thành bắp dừa nước để suốt đời gắn bó với quê hương.
Dứt lời, nàng băng mình tự tử. Từ đó vùng đất này gọi là Bay sao (nghĩa là cơm sống). Dân gian gọi trại mãi thành Bãi Xàu như ngày nay.
Món bò nướng ngói
Xác nàng trôi ra vàm, dân gian quen gọi là Beam Neang Chanh, đọc trại thành Vàm Mỹ Thanh. Dân chúng vớt xác nàng chôn ở Vĩnh Châu, nay hãy còn mộ.
Cụ Vương Hồng Sển trong Tự vị tiếng Việt miền Nam có kể chuyện rằng: “Ngày trước vùng đất này hoang vu, cỏ mọc thành tinh, rắn đồng biết gáy có một anh chàng nông dân ra vườn hoang gặp ổ rắn. Anh lượm trứng rắn về nấu rồi đem số trứng hấp định bụng sẽ có bữa ăn ngon lành. Vì thế, anh mời bạn bè đến, trong lúc chờ cơm chín, anh kể chuyện lượm được trứng rắn cho mọi người nghe.
Chuyện hết, cơm chưa chín, bỗng đâu cây cối chuyển động ầm trời, gió cuốn bụi bay mù đất, mọi người bỏ chạy tán loạn. Khi trận cuồng phong đã qua, mọi người trở lại thì nồi cơm còn sống đổ hết nước. Đặc biệt số trứng rắn mất dạng. Người ta tin rằng rắn chúa về biết số trứng của mình bị mất nên bò đi tìm. Trận gió lốc ấy là do nó gây nên. Mọi người ăn vội cơm sống vì sợ rắn trở lại lần nữa”.
Như vậy, các cách giải thích tuy có khác nhau nhưng dân gian lại tương đồng khi cho rằng Bãi Xàu bắt nguồn từ tiếng Khmer bay sao nghĩa là cơm sống.
Dừng chân bên đường, người phương xa đã nghe đâu đó vẳng lên câu hò ngọt lịm:
Mời anh về xứ Mỹ Xuyên/ Ăn bò nướng ngói thắm duyên Bãi Xàu.
Từ lâu bà con ở đây nuôi bò để lấy sức kéo. Thịt bò cũng đã trở thành nguyên liệu chính chế biến nhiều món ăn như bò kho, bò xào khổ qua, bò nhúng giấm,… nhưng nổi tiếng nhất có lẽ là bò nướng ngói, món ăn khoái khẩu của nhiều thực khách gần xa.
Tên gọi món ăn bắt nguồn từ cách thức chế biến ra nó. Nguyên thủy, người ta dùng miếng ngói cong âm dương bằng đất nung để nướng thịt bò. Dần về sau người ta thay bằng một miếng kim loại trắng sáng bằng thiếc dày tráng inox như cái xẻng đào đất, vì thế có người còn gọi là bò nướng xẻng.
Người ta chọn thịt bò nạc loại ngon để thật ráo, xắt mỏng từng miếng vừa phải rồi ướp bột ngọt, đường, ít muối, đặc biệt phải có sả băm nhuyễn, rắc thêm ít hột đậu phộng rang đã làm sạch vỏ.
Tìm hiểu thêm: Thịt bò xào hành ăn kèm bún ngon ơi là ngon
>>>>>Xem thêm: Gợi ý mâm cơm giá sinh viên dành cho hai người chỉ 50 nghìn đồng
Món bò nướng xẻng
Thịt bò dù nướng ngói hay nướng xẻng đều vừa nướng vừa ăn. Trên bàn, người ta bày thêm ít bún, bánh tráng. Rau sống chuẩn bị đầy đủ các loại khế, khóm, chuối chát, rau thơm, rau diếp cá, cải xà lách. Nước chấm cũng thật công phu: người ta gọt khóm rồi bằm nát, sả bằm nhuyễn (có người để sống, có người phi sả trên chảo dầu cho vàng thơm) rồi cho vô chén trộn đều. Nếu khóm ngọt thì thêm ít nước cốt chanh, bột ngọt, ớt xắt. Nước chấm chủ đạo là nước mắm nêm cho vào pha sền sệt.
Khi ăn thì bắt lò than cháy rực lên giữa bàn, để miếng ngói hoặc miếng xẻng lên trên hơi nghiêng một chút, phía dưới của đầu thấp hơn để một cái chén không để hứng nước mỡ thừa chảy xuống. Miếng ngói nóng thì rưới mỡ heo thắng hoặc dầu ăn lên rồi để thịt bò lên nướng. dùng đũa trở thịt qua lại mấy lần là thịt chín.
Lấy một miếng bánh tráng gói rau, bún cùng miếng thịt bò đang nóng chấm nước mắm khóm sẽ có được miếng ăn hấp dẫn, cái ngọt của thịt, vị béo của mỡ, đậu phộng; vị chát của chuối sống, chua của khế, khóm; vị mặn cay và thơm của mắm nêm, tất cả dấy lên hương vị mặn nồng.
Món ăn vừa thể hiện sự kết hợp độc đáo sáng tạo của người bình dân, vừa phảng phất không khí của cha ông tự ngày mở cõi vọng về.